"VỖ BÉO" RỒI "Làm thịt" !
Nguyễn Gia Tiến

Nhân vụ Thương ước Mỹ-Việt Cộng được ký kết vừa qua, một số người ở Hải ngoại hiện nay cổ võ cho việc "đem Kinh tế  về thay đổi Cộng Sản". Họ đã quên những kinh nghiệm đau thương của một số Việt kiều đã từng về Việt Nam làm ăn cả từ mười năm nay.

Tư Bản Việt Kiều được"Vỗ béo rồi Làm thịt" !

Cách đây vài tháng, Cộng Ðồng Hải Ngoại sôi nổi về vụ một thương gia "làm ăn lớn" tại Sài Gòn là Hoàng Vi Ðắc trốn sang Mỹ, sau khi bị Việt Cộng  trấn lột, "bỏ của chạy lấy người." Ðây không phải là trường hợp đầu tiên.

Mười năm trước, khối Liên Sô xụp đổ, CSVN mất chỗ dựa. Lâm vào ngõ bí, và để sống còn, cực chẳng đã Hà Nội bắt buộc phải "mở cửa", để thu hút ngoại tệ của Tư Bản và Việt kiều. Cộng Sản "mở cửa" chỉ để tránh sự dồn ép muốn bùng nổ, do tình trạng nghèo khổ cùng cực trong toàn dân, chỉ để có tiền nuôi dưỡng bộ máy trấn áp Công an Quân đội, chỗ dựa duy nhất cho chế độ kìm kẹp. Như bất cứ hành động nào của VC, sự "mở cửa" hoàn toàn không phải vì lợi ích dân tộc, mà chỉ để tìm lối thoát cho bạo quyển. Những năm đầu thập niên 90, sau vụ "mở cửa", không ít Tư Bản nước ngoài, ngây thơ tưởng Việt Nam sẽ là một " Eldorado " mới, nhào vào đầu tư. Rút cục sau vài năm đều thua lỗ, "ôm đầu máu" rút ra vì tình trạng vô luật pháp, không làm ăn nổi với sự tham nhũng, tráo trở của VC. Cũng thời gian này, một số Việt Kiều nhẹ dạ, tiêu biểu là Nguyễn Trung Trực từ Úc, Trịnh Vĩnh Bình từ Hòa Lan, đem hàng triệu dollars về "kinh doanh". Làm ăn khấm khá được vài năm, có lúc đã được báo chí quốc tế bình luận, cho đây là điển hình về sự thành công, hợp tác, của Việt kiều. Nhưng rồi rút cục, tất cả đều tiền mất tật mang, tài sản bị tịch thâu và nằm tù, do bất cứ một tội trạng nào mà VC có thể tưởng tượng ra !  Trường hợp thương gia Hoàng Vi Ðắc vừa qua cũng lại thêm một thí dụ điển hình về những "con thiêu thân" Việt kiều.

Thật ra, trong việc bòn rút, ăn chặn tiền đầu tư, VC nhắm vào đám Tư Bản nước ngoài là chính, còn tiền bạc của "tư bản Việt kiều" chúng chỉ coi là thứ "tép riu", không đáng kể.

Vừa qua Thương ước Mỹ-Việt Cộng đã được ký kết, nhưng những gì xảy ra trong quá khứ cho phép tiên đoán tương lai . Người ta có thể dự trù sự việc sẽ diễn ra như sau :

1) Ðối với tư bản Mỹ vào làm ăn, nhất là những thứ "gộc" như Nike, Coca Cola ..., tiền bạc sẽ được chuyển  khỏi Việt Nam dễ dàng hơn, VC không dám ăn chặn như trước. Lợi nhuận sẽ tăng thêm vì  thuế nhập vào Mỹ giảm xuống đối với hàng sản xuất từ Việt Nam. Còn phía VC, đang xính vính kiệt quệ vì Tư bản các nước rút hết mấy năm gần đây, nay với Thương ước, chúng hy vọng dụ dỗ họ trở lại. Ðám đầu xỏ Mafia Ðỏ và lớp người "ăn theo"sống bám quanh, lại có dịp chấm mút. Bộ máy kìm kẹp Công An , mà nay phải nuôi dưỡng bằng đôla chứ không thể "cho ăn" lý thuyết xuông, lại được hà hơi tiếp sức để giữ vững chế độ. Rút cục đại bộ phận dân đen, thấp cổ bé miệng, vẫn bị bóc lột, sống lê lết bên lề các đô thị và miền quê như hiện nay. Ðây là bằng chứng sau hơn 10 năm "đổi mới", với cơ man tiền bạc của Tư Bản ngoại quốc đổ vào, đa số nhân dân vẫn nghèo mạt rệp, tiền bạc chỉ rơi vào túi Tư bản Ðỏ. Bởi vì dưới chế độ VC, không hề có vấn đề kinh doanh lành mạnh theo đúng nghĩa, hầu cải thiện xã hội. Tất cả chỉ là nền "kinh tế" của sự mánh mung móc ngoặc, chộp giựt ăn cắp, được nâng cấp lên hàng quốc sách.

Ngoài ra, mặc dầu lần này Thương Ước được ký kết, nhưng như thường lệ, khi áp dụng điều khoản nào bất lợi, đe dọa sự toàn trị của chúng là VC tìm cách xoay xở, trì trệ, ù lì. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy VC không tôn trọng bất cứ thỏa ước nào, nhất là bây giờ chúng càng rảnh tay khi không có đạo luật Nhân Quyền kèm theo Thương ước.

2) Ðối với Việt kiều đem tiền về "đầu tư", VC sẽ chẳng thèm đếm xỉa đến quốc tịch Mỹ, vẫn coi là người Việt Nam. Vì chỉ là "Mỹ giấy" chứ không phải Mỹ thiệt, sẽ không được Thương ước và Chính phủ Mỹ tận tình bảo vệ, VC sẽ giở trò biến hóa luật pháp, muốn "bỏ tù" lúc nào cũng được. Thành thử nếu Việt kiều về làm ăn "cò con, hốt bạc cắc" rồi chạy, thì may ra có thể thoát, ôm được chút tiền còm bỏ túi . Còn muốn làm ăn lâu dài, đại qui mô, thì sẽ được VC "vỗ béo" cho tới một ngày nào đó, chúng cảm thấy "con mòng" đã khá nặng ký, là chúng đem ra "làm thịt". Sự việc xảy ra cho các "đại thương gia" Hoàng Vi Ðắc, Nguyễn Trung Trực, Trịnh Vĩnh Bình...kể trên là những kinh nghiệm.

Thực ra bài bản của CSVN không thay đổi từ 1945. Chúng chỉ biến dạng với thời gian. Thời 45-46, Hồ Chí Minh phát động "tuần lễ vàng" để trấn lột . Trong chiến tranh, CS "cải cách ruộng đất" để cướp không tài sản của dân quê. Về tiếp thu Hà Nội 1954, CS cải tạo các thương gia . Chiếm được Saigon năm 75, chúng"đánh Tư sản"...

Ngày nay Việt Nam hết Tư sản thì CS dụ Việt kiều về, để vỗ béo dần dần thành Tư sản...rồi ...vân vân và vân vân !

Ta thấy Lịch sử là một chuỗi bài học. Lịch sử sẽ vô ích nếu những bài học không được rút ra.

VC không thể bị đánh đổ ?

Nhiều người cho rằng, CSVN, cũng như Trung Cộng, Bắc Hàn, không thể bị đánh đổ, và cần dùng kinh tế để thay đổi dần dần. Họ lập luận rằng nếu không bị chống đối, CSVN cũng sẽ "tiến bộ" như Trung Cộng. Nếu bị bao vây, CSVN sẽ "đóng cửa, rút cầu", trở lại một thể chế cô lập, bưng bít như Bắc Hàn.

Nhận định này sai lầm. Tình hình Việt Nam có những nét đặc thù, không như Bắc Hàn, mà cũng chẳng giống Trung Cộng.

Trước hết Bắc Hàn chưa bị Kinh Tế Tư Bản làm "ô nhiễm", trong khi VC đã dấn thân vào một tiến trình không thể đảo ngược. VC đã nếm mùi "tiện nghi Tư bản",  bộ máy kìm kẹp Công An cần được nuôi dưỡng bằng tiền bạc, sự bịp bợm bằng lý thuyết đã bị hóa giải bằng Truyền thông, Thông tin. Toàn dân cũng không dễ dàng chấp nhận quay về "ăn khoai sắn", và sẽ vùng lên. Hà Nội dư biết con đường "kinh tế thị trường" sẽ khai tử chế độ toàn trị của chúng, nên một mặt chúng ra sức vơ vét, thủ lợi, một mặt trì trệ mọi cải cách để dò từng bước theo gót quan thày Trung Cộng.

Nhưng so với Trung Cộng, Hà Nội không có được cái khôn ngoan, cái bản lãnh, của Bắc kinh. Ngoài ra, Trung Cộng, với khối dân  hơn 1 tỷ người, vẫn còn bị CS nhồi sọ từ hơn nửa thế kỷ, sẽ ù lì, khó xoay vần hơn. Tại Việt Nam, dân không đông, lại có kinh nghiệm về Dân Chủ Tự Do ở Miền Nam trước 75, sự bịp bợm của CS đã hoàn toàn tan rã.  Cho nên, không như Trung Cộng và Bắc Hàn, Việt Nam  có những điều kiện thuận lợi hơn  để lật đổ CS.

Có người nhận xét rằng Hải ngoại nên ngưng chống Cộng, vì không bao giờ đủ sức "về giải phóng quê hương". Lập luận này cũng sai lầm và đầy dụng ý. Bởi vì người có ý thức không hề bao giờ vỗ ngực, khẳng định nói Hải Ngoại đóng vai chủ chốt để về giải thể CS. Việc giải thể CS sẽ xuất phát từ trong nước. Hải ngoại trước sau nếu có, chỉ yểm trợ, góp sức vào cuộc đấu tranh chung tạo áp lực từ mọi phía, trong cũng như ngoài nước, đối với bạo quyền.

Các chế độ độc tài, nhất là độc tài CS, không khi nào tự nó có thiện chí cải tổ vì lợi ích dân tộc. Nó chỉ tạm thời lui bước, cải cách dối trá khi bị đe dọa xụp đổ do sức ép từ mọi phía. Sự xụp đổ của CS Liên Sô là một bằng chứng. Nó chịu sức ép từ bên trong vì kinh tế thất bại, gây bất mãn triền miên trong nhân dân. Nó chịu sức ép từ bên ngoài, vì sự bao vây của Khối Tự Do về kinh tế, với Nato về quân sự, với chiến dịch Thông tin, Truyền thông, hóa giải sự bưng bít, lừa bịp, sau bức màn sắt. Sức ép của sự chống đối khắp nơi, năm này qua năm khác, rồi khởi sự chỉ từ một cuộc tranh chấp địa phương của Công đoàn Ðoàn Kết Ba Lan , đã bùng lên, ảnh hưởng lan tràn khắp Ðông Âu. Khi các sức ép dồn dập lên tới  cực điểm, thì chỉ cần một  "sai lầm nhỏ" (faux pas) về chiến lược của bạo quyền, là gây rạn nứt giây truyền không thể đảo ngược, xô đẩy dẫn đến xụp đổ. Quan sát sự xụp đổ của Liên Sô, Ðông Âu...và gần đây nhất của Milosevic, cho thấy, khi chịu áp lực nặng nề  kéo dài, cả từ trong lẫn ngoài, CS luôn luôn khởi sự bùng nổ ra từ bên trong (implosion), mà vai trò chủ động trong sự xụp đổ lại chính là giới trẻ sống và lớn lên trong xã hội CS, thường được coi là "tổ chức chặt chẽ".

Tóm lại, để thanh toán các chế độ cực quyền, giải pháp duy nhất vẫn là gây sức ép trong ngoài, toàn diện và liên tục, không có gì khác hơn.  Ðối với CSVN, sự chống đối của người Việt Hải ngoại là khôn ngoan, là ý thức được sự cần thiết phải tiếp tay tạo sức ép. Cộng đồng Hải ngoại không vỗ ngực tự nhận là " chủ lực" của cuộc đấu tranh, nhưng cũng không thể chối bỏ phần đóng góp của mình.

Kinh Tế trước, Dân Chủ sau ?

Hà Nội thấu hiểu cái viễn ảnh đáng lo ngại này nên đã ra tay trấn áp ngay từ trứng nước mọi mầm mống chống đối . VC ngoài miệng lên tiếng tố cáo "diễn biến hoà bình", nhưng trong thâm tâm chúng không mong gì hơn là tình hình biến chuyển theo chiều hướng này, để chúng có thể "câu giờ".  CS "hoãn binh" bằng khẩu hiệu "Kinh tế trước, Dân chủ sau" mà một vài cái loa ở Hải ngoại thường lên tiếng phụ họa. Bọn đầu xỏ Mafia Ðỏ sẽ có thời gian tẩu tán ra nước ngoài của cải, tài sản ăn cắp được, truyền ngôi lại cho con cháu, và tránh sự xụp đổ đột ngột, mà hậu quả chắc chắn là con đường dẫn chúng ra Pháp đình hoặc Pháp trường. Ngoài ra, nếu thời cơ đưa đẩy, thuận lợi, CS sẽ trì trệ, xoay sở để "tại vị" thêm vài thập niên nữa.

Lập luận cho rằng ở Việt Nam cần "nâng Dân trí lên đã, Dân chủ sau", là ngụy biện. Như trên đã nói, hàng chục triệu dân Miền Nam, trước 75, đã sống và hiểu thế nào là Dân Chủ Tự Do tương đối ở Miền Nam. Họ đã và đang tiếp tục "hủ hóa" tất cả nhân dân Miền Bắc.

Kinh nghiệm phát triển" kinh tế không cần Dân chủ "đã thấy ở Trung Cộng (TC). Có người đề cao kinh tế TC làm mô hình, mẫu mực, và hy vọng Việt Cộng sẽ đạt tới, nếu để chúng "tự ý thay đổi". Trước hết, cần khẳng định  TC là "bực thày"của Hà Nội, với sự khôn ngoan mà VC chẳng bao giờ có được. Cũng chính vì sự "u tối, kém cỏi" của VC so với TC, mà ta hy vọng chúng sẽ "xập tiệm" sớm hơn quan thày TC, mặc dầu VC luôn luôn cố gắng dập khuôn từng bước theo quan thày để sinh tồn. Sau nữa, phải chăng TC hiện nay là mẫu mực cho Việt Nam trong tương lai vài chục năm tới ? TC với thành tích đứng đầu thế giới về đàn áp sắt máu Nhân quyền, TC với nửa thế kỷ xây dựng kinh tế CS chỉ đem lại TSL 780 đôla (Tổng Sản Lượng/ đầu người), so với Ðài Loan 13.900 đôla ( gấp 18 lần TC !). (Việt Nam, được xếp hạng nghèo hơn Bắc Hàn và Bangladesh ( !), với TSL 370 đôla, đứng gần chót, ngang hàng với mấy nước Phi Châu ! Theo thống kê PNB/ habitant, Atlas économique mondial 2002, Nouvel Obsevateur) .

Trung Cộng như vậy sẽ là mẫu mực cho VN chăng? Tại sao không noi gương Ðài Loan ? mô hình của một sự phát triển kinh tế chỉ có được dưới một thể chế Dân chủ . Tại sao không tập trung nỗ lực, ưu tiên gạt bỏ trước hết thể chế độc tài CS, điều kiện tiên quyết cho mọi phát triển kinh tế ?

Thụy Sĩ, tháng 12, 2001